Từ thực tiễn của ngành “công nghiệp không khói” ở các địa phương miền Trung hiện nay cho thấy, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải đổi mới tư duy và cách làm du lịch một cách quyết liệt, đồng bộ. Sở dĩ như vậy là do sự đòi hỏi về chất lượng cuộc sống con người ngày càng cao, các loại hình dịch vụ phục vụ con người cũng như chất lượng dịch vụ du lịch cũng đòi hỏi ở mức cao hơn. Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa… đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, sự đầu tư mạnh mẽ đó còn chưa đồng bộ, thiếu tính quy hoạch cơ bản, bảo đảm sự phát triển lâu dài; chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch ở một số địa phương thiếu tính chuyên nghiệp, rời rạc, manh mún; thiếu sự liên kết ngành, liên kết vùng và liên kết địa phương, sản phẩm du lịch vì thế đơn điệu, thiếu đa dạng. Bên cạnh đó, nạn chèo kéo, bán hàng rong, “chặt chém” du khách còn khá phổ biến, như ở Đà Nẵng, Khánh Hòa; công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu du lịch ở Quảng Nam, Phú Yên chưa được bảo đảm… đã khiến chất lượng du lịch chưa tốt.
Cầu Vàng – địa điểm du lịch hút khách tại Đà Nẵng. Ảnh: Vnexpress
Trông người mà nghĩ đến ta, không ở đâu xa, Thái Lan với quan điểm lấy chất lượng du lịch là chất lượng môi trường sống, lòng mến khách và nụ cười thân thiện; chất lượng du lịch là quảng bá hiệu quả theo cơ chế thị trường vì một nền văn hóa tiên tiến… Với quan điểm này, ngành du lịch Thái Lan đã phát động mọi người dân làm du lịch với khẩu hiệu “Hãy luôn kiến tạo những nụ cười thân thiện”. Và chính từ những nụ cười thân thiện này, đất nước Thái Lan đã trở thành một cường quốc du lịch đáng nể ở Đông Nam Á.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch miền Trung, thiết nghĩ, các địa phương cần tận dụng tốt việc liên kết vùng, cụm du lịch. Trong đó, mỗi địa phương vừa là đối tác, vừa cạnh tranh để phát huy lợi thế. Đối với những địa phương du dịch kém phát triển, cần đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, tập trung giải quyết vấn đề hạ tầng cơ sở, chủ động sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường thanh bình, hiếu khách… Đối với các địa phương du lịch đã phát triển, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về giá cả, nguồn nhân lực; bảo đảm tốt an ninh trật tự, chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… Mặt khác, ngành du lịch các địa phương cần quan tâm đến việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tạo thành hình ảnh tổng thể của sản phẩm du lịch đặc trưng từng vùng kết hợp đan xen, bổ trợ cho các khu vực để trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Suy cho cùng, chất lượng du lịch chính là chất lượng cuộc sống, chất lượng văn hóa. Để du lịch miền Trung phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các địa phương cần chủ động tăng cường chất lượng du lịch trên cơ sở phát huy những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế sẵn có, cũng như tiếp thu bài học kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới.